Bí ẩn người đàn ông bất tử sống xuyên 3 thế kỷ: Lúc nào cũng ở tuổi 45
Admin - Thứ Hai, tháng 6 22, 2020 -
Khoa Học Đời Sống
Bất tử là điều mà con người luôn muốn nhưng chưa từng làm được. Tuy nhiên lịch sử đã ghi nhận một trường hợp vô cùng đặc biệt sống xuyên qua 3 thế kỷ khiến nhiều người khó có thể tin được.
Bá tước Saint-Germain là một nhân vật nổi tiếng lịch sử và được gọi là người đàn ông bất tử. Theo một số tư liệu lịch sử xác nhận ông sinh vào khoảng năm 1690 nhưng một số người khác lại tin rằng ông sinh vào trước công nguyên. Bá tước Saint-Germain đã từng nhiều lần xuất hiện trong suốt lịch sử - ngay cả những năm 1970 và theo lời kể của nhiều người, ông luôn xuất hiện với vẻ ngoài khoảng 45 tuổi.
Trong cuốn sách The Comte De St. Germain: The Secret of Kings do nhà nghiên cứu Annie Besant biên soạn khẳng định ông là con trai của Francis Racoczi II, Hoàng tử Transylvania. Đặc biệt, ông được biết đến là rất thành công trong thuật giả kim, đã tạo ra một chất liệu mà khi thêm vào bất cứ kim loại nóng chảy cơ bản nào như chì cũng có thể biến chúng thành bạc hoặc vàng nguyên chất.
Ông còn tuyên bố có thể hợp nhất một số viên kim cương nhỏ thành một viên lớn. Ông cũng nói rằng ông có thể làm cho ngọc trai phát triển đến kích cỡ đáng kinh ngạc. Một số người nghi ngờ ông có liên quan tới một số tổ chức bí mật như Rosicrucian, the Knights of Light, the Illuminat... Hơn nữa, ông còn nắm giữ "thuốc tiên" giúp con người bất tử.
Bá tước Saint-Germain bắt đầu nổi tiếng trong xã hội thượng lưu ở châu Âu vào năm 1742. Ông từng có 5 năm làm việc tại tòa án và có vốn kiến thức sâu rộng về khoa học, lịch sử, âm nhạc khiến hoàng gia và những người giàu có trong xã hội phải nể phục. Không chỉ hiểu biết rộng, ông còn có khả năng nói 12 ngôn ngữ như tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hà Lan, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Latin, tiếng Ả Rập thậm chí cả tiếng Hy Lạp và tiếng Phạn cổ.
Không chỉ có kiến thức, ông còn là một bậc thầy violin, một họa sĩ tài ba. Mặc dù trông có vẻ giàu có nhưng ông không có tài khoản ngân hàng nào. Bá tước Saint-Germain cũng hiếm khi ăn uống bên ngoài mà chỉ ăn uống tại nhà hoặc tới nhà bạn bè.
Những giai thoại về sự bất tử của bá tước Saint-Germain
Năm 1760, những lời đồn về việc Saint-Germain có thể bất tử bắt đầu lan truyền. Có một giai thoại rằng, nữ bá tước Georgy nghe tin bá tước Saint-Germain đã đến dự một buổi dạ tiệc tại nhà của Madame de Pompadour, tình nhân của vua Louis XV (Pháp).
Nữ bá tước lớn tuổi tò mò nên đã tới vì bà từng gặp bá tước Saint-Germain khi ở Venice năm 1710, khi ấy ông ít nhất 45 tuổi. Nhưng khi gặp lại bá tước, bà ngạc nhiên khi thấy ông không hề già đi một chút nào và còn hỏi liệu rằng người mà bà gặp ở Venice thực ra là cha của ông. Nhưng bá tước Saint-Germain đã khẳng định đó chính là ông và quả thực ông không hề già đi.
Nhà triết học nổi tiếng thế kỷ 18, Voltaire đã nói về bá tước Saint-Germain rằng ông là "một người không bao giờ chết, và biết tất cả mọi thứ".
Trong suốt thế kỷ 18, bá tước Saint-Germain tiếp tục sử dụng kiến thức dường như vô tận của mình về thế giới trong chính trị và những mưu đồ xã hội của giới thượng lưu châu Âu:
- Những năm 1740, ông trở thành một nhà ngoại giao đáng tin cậy trong triều đình của vua Louis XV (Pháp), thực hiện các nhiệm vụ bí mật cho vua ở Anh.
- Năm 1760, ông đã thực hiện nhiệm vụ tương tự tại Hague, nơi ông gặp người tình khét tiếng, Giacomo Girolamo Casanova. Casanova sau đó đã nói về Saint-Germain rằng: "Người đàn ông phi thường này nói rằng ông đã 300 tuổi, ông biết bí mật của y học, có thể làm chủ thiên nhiên, làm tan chảy kim cương... Tất cả những thứ này với ông ấy chỉ là chuyện vặt".
- Năm 1762, ông du hành tới Nga, nơi người ta nói rằng ông đã đồng lõa trong một âm mưu đưa Catherine Đại đế lên ngai vàng. Sau đó, ông đã cố vấn cho chỉ huy quân đội Hoàng gia Nga trong cuộc chiến chống Thổ Nhĩ Kỳ (mà họ đã giành chiến thắng).
- Năm 1774, ông trở lại Pháp khi Louis XVI và Marie Antoinette chiếm ngôi vua.
- Năm 1779, ông đến Hamburg, Đức, nơi ông kết bạn với Hoàng tử Charles xứ Hesse-Cassel. Trong 5 năm tiếp theo, ông sống như một vị khách trong lâu đài của hoàng tử tại Eckernförde. Và đó là nơi Saint-Germain chết vào ngày 27/2/1784.
Trở về từ cõi chết
Ai cũng ngỡ rằng năm 1784 là thời điểm kết thúc cuộc đời của vị bá tước tài hoa đầy bí ẩn nhưng sau đó, nhiều người vẫn tiếp tục thấy bá tước Saint-Germain xuất hiện trong suốt thế kỷ 19 và sang thế kỷ 20.
Năm 1785, người ta nhìn thấy ông tại Đức cùng với Anton Mesmer, một nhà thôi miên học tiên phong. Người ta cho rằng Saint Germain đã truyền dạy cho Anton những kiến thức về thôi miên và hấp dẫn người khác.
Các báo cáo chính thức của tổ chức Freemansonry khẳng định họ đã chọn Saint Germain làm đại biểu trong một cuộc họp năm 1785.
Sau khi chiếm được Bastille trong Cách mạng Pháp năm 1789, tiểu thư Comtesse d’Adhémar cho biết đã có cuộc nói chuyện rất dài với Saint Germain về tương lai nước Pháp như thể ông đã biết hết chuyện của tương lai. Cô viết trong hồi ký năm 1821: "Tôi đã nhìn thấy Saint Germain rất nhiều lần. Tôi nhìn thấy ông vào ngày hoàng hậu Antoinette bị ám sát và trong rất nhiều ngày xảy ra các sự kiện lịch sử quan trọng của nước Pháp. Lần cuối tôi nhìn thấy ông là vào năm 1820, và trông ông như mới chỉ ngoài 40 tuổi".
Giữa năm 1880 và 1900, lan truyền một bức ảnh chụp Saint-Germain và Blavatsky - một thành viên của Theosophical Society (tạm dịch: Hiệp hội Thần học). Năm 1897, ca sĩ nổi tiếng người Pháp, Emma Calve đã dành một bức chân dung có chữ ký của mình cho Saint-Germain.
Lần xuất hiện gần đây nhất của bá tước Saint-Germain là vào năm 1972 tại Paris khi một người đàn ông tên Richard Chanfray tuyên bố anh ta là vị bá tước huyền thoại. Anh ta xuất hiện trên truyền hình Pháp, và để chứng minh cho tuyên bố của mình, anh đã biến chì thành vàng trên bếp lò trước máy quay phim. Chanfray sau đó đã tự sát vào năm 1983.
Đến nay nhiều người vẫn đặt câu hỏi về khả năng sống trường tồn của bá tước Saint-Germain. Có phải ông là một nhà giả kim thành công, người đã tìm thấy bí mật của sự sống vĩnh cửu? Hay ông là một người du hành thời gian?
Con người có thế bất tử?
Theo các nhà khoa học hiện đại, con người rất khó có thể bất tử bởi vì những lý do sau:
Con người không thể sống mãi vì tế bào chỉ phân chia 50 lần
Các nhà khoa học phát hiện trong cơ thể, quá trình lão hóa được kiểm soát không chỉ bởi các đồng hồ sinh học đặc biệt của toàn cơ thể mà còn rất nhiều “đồng hồ” đặt ở trong từng tế bào. Trước đây các nhà khoa học cho rằng, các tế bào trong cơ thể có số lần phân chia vô hạn. Nhưng công trình nghiên cứu của Hayflik ( Hoa Kỳ) đã chứng minh rằng chỉ có các tế bào ung thư mới phân chia vô hạn, còn tất cả các tế bào bình thường chỉ phân chia đến giới hạn 50 lần rồi ngừng phân chia và chết đi.
Nhà khoa học còn phát hiện ra rằng: sự phân chia đầy đủ 50 lần chỉ có ở các tế bào từ bào thai, còn các tế bào ở người trưởng thành thì người càng già số lần phân chia của tế bào càng ít. Đây gọi là hiệu ứng Hayflik.
Tuổi thọ giảm vì phân tử ADN bị tiêu hao sau mỗi lần phân chia
Chuỗi xoắn kép phân tử ADN do Watson và Crick tìm ra là cơ sở di truyền của tế bào. Nhà khoa học Alexei Olovnikov (Liên Xô ) nêu giả thuyết là cứ mỗi lần phân chia của tế bào, phân tử ADN lại ngắn đi một ít. Cho đến khi sự rút ngắn này đụng đến một gen quan trọng cho sự sống thì tế bào sẽ chết.
Ông giải thích hiện tượng này như sau: các phân tử ADN của mỗi tế bào khi phân chia thì hai sợi xoắn kép giãn ra, tách đôi để tạo ra chuỗi xoắn mới, với hai dãy enzym tích tụ từ quá trình này không đủ khả năng lặp lại toàn bộ cả hai sợi phân tử ADN. Hậu quả là một trong hai sợi xoắn kép bao giờ cũng bị ngắn hơn sợi kia. Cứ mỗi lần tách ra là phân tử ADN lại mất một ít thành phần của nó. Sự co ngắn của các phân tử ADN được Olovnikov gọi là sự “co mép lề” hay “cắt khúc cuối”.
Người càng cao tuổi thì telomeres của họ càng ngắn
Theo một tính toán: telomeres của nguyên bào sợi là nơi sản sinh ra chất collagen, cứ mỗi năm mất khoảng 20 phân tử. Đến khi các telomeres trở nên quá ngắn thì các nhiễm sắc thể sẽ kém bền vững, chúng không thể bám vào được màng nhân tế bào, chúng bị dính vào nhau và có hình dạng kỳ dị. Kết quả là các tế bào không thể phân chia được nữa.
Các nhà nghiên cứu đang xem xét đánh giá kích thước của telomeres như một “thước đo” chuẩn xác tuổi thọ của tế bào. Nhà khoa học Calvin Harley còn cho rằng nếu khi sinh ra telomeres của một người nào đó ngắn hơn bình thường, thì các tế bào của người đó sẽ có tuổi thọ ngắn hơn một cách tương ứng.
Có lẽ các telomeres như một thứ bảo hiểm làm chậm hiệu ứng của thời gian đối với các nhiễm sắc thể. Hy vọng không lâu nữa khoa học sẽ tìm ra “thước đo cuộc đời” yếu tố quyết định tuổi thọ, để tìm ra phương pháp làm tăng tuổi thọ cho con người.